Lịch sử Sittwe

Sittwe ban đầu là một làng chài, tuy nhiên sau đó trở thành vị trí quan trọng đối với hàng hải. Đây là một trong các cảng xuất khẩu gạo sau khi Đế quốc Anh chiếm đóng Arakan, nay là bang Rakhine, sau Chiến tranh Anh-Miến thứ nhất.

Sittwe là nơi diễn ra một trong các trận chiến của cuộc chinh phục Arakan của vua Miến Bodawpaya. Vào năm 1784, lực lượng viễn chinh Miến Điện gồm khoảng 30.000 binh lính chạm trán với 3000 quân của Saite-ké Aung, tỉnh trưởng tỉnh U-rit-taung.[2] Mặc dù bị áp đảo về quân số, quân Arakan vẫn cố gắng chiến đấu với quân Miến Điện cả trên bộ và trên biển, tuy vậy cuối cùng vẫn thất bại. Thất bại này mở đường cho quân Miến Điện tiến vào thủ đô Mrauk-U, chấm dứt nền độc lập của Arakan.

Vào năm 1826, sau Chiến tranh Anh-Miến thứ nhất, người Anh đưa chính phủ về đóng ở Sittwe. Trong 40 năm thuộc Anh, nơi đây mở rộng thành một thị trấn gồm 15.536 dân, và tới năm 1901 trở thành cảng biển thứ ba của Miến Điện với dân số 31.687 người.[3] Vào thập niên 1860, Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Kolkata có một cơ quan tại Sittwe.[4]

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai hòn đảo này là một địa điểm của nhiều trận chiến quan trọng tại Mặt trận Miến Điện do sở hữu cảng nước sâu và một sân bay.

Sittwe là quê hương của nhiều nhà sư hoạt động chính trị ở Myanmar. Đây là nơi sinh của U Ottama, nhà sư đầu tiên biểu tình chống thực dân Anh ở Myanmar. Trong cuộc biểu tình chống chính phủ tại Myanmar 2007, các nhà sư Sittwe là những người khởi phát cuộc biểu tình chống chính phủ quân sự ở Myanmar. Sittwe là nơi đóng căn cứ hải quân Dhanyawadi.

Kể từ năm 2012, chính phủ Myanmar đưa hàng chục người Rohingya vào các trại tập trung ở Sittwe. Ngày nay có khoảng 140.000 người Rohingya sống trong các căn lều tạm mà không có đủ điện nước. Những người tị nạn Rohingya không được phép đi ra ngoài và làm việc bên ngoài trại.[5]